Đại Việt Sử Ký Toàn Thư là một loại sách sử ghi chép các sự kiện theo lối biên niên, tức lần lượt theo từng năm, mục đích là để chứng tỏ sự nối truyền liên tục của các chính thể cai trị trên vùng đất mà ngày nay chủ yếu thuộc khu vực miền Bắc và Bắc Trung bộ Việt Nam.
Bộ sử này được viết, biên tập và bổ sung trong một thời gian kéo dài từ năm 1272 đến 1697, tức là trong khoảng hơn 400 năm.
Một số tác giả có đóng góp nổi bật vào nội dung bộ sử này bao gồm Lê Văn Hưu (cuối TK 13 – đầu TK 14), Phan Phu Tiên (cuối TK 14 – TK 15), Ngô Sĩ Liên (TK 15), Vũ Quỳnh (cuối TK 15 – đầu TK 16), Phạm Công Trứ (TK 17), và Lê Hy (cuối TK 17 đầu TK 18).
Theo quan điểm của các sử gia này, lịch sử được ghi lại trong Đại Việt Sử Ký Toàn Thư bao quát quãng thời gian khoảng 4500 năm, từ thời điểm bắt đầu của lịch sử nước Việt cổ vào khoảng năm 2880 TCN cho đến năm cuối là 1675 SCN.
Sách vốn viết bằng chữ Hán và bắt đầu được dịch ra tiếng Việt từ cuối thế kỷ 19, nhưng bản dịch mà ta thường đọc hiện nay được làm trong thế kỷ 20.
Đối với mỗi thời đại khác nhau, sách này quan trọng theo một cách khác nhau. Chẳng hạn, đối với những quan lại sống ở thế kỷ 17 và 18 thì sách này có thể cho biết ai là những người cai trị chính thống của nước Việt. Nhưng đối với người Việt Nam ở thế kỷ 20 và 21, sách là một tài liệu cổ (vì cổ nên quý) và là nguồn tư liệu uy tín để chứng thực một số chuyện từng xảy ra trong quá khứ xa xưa.
2 thoughts on “Tóm lại, “Đại Việt Sử Ký Toàn Thư” là sách gì?”