Mọi người có lẽ đều đã biết tên gọi “Việt Nam” được chính thức hoá là từ thời vua Gia Long (ở ngôi 1802-1821).[1] Đại lược, chuyện nói rằng vua Gia Long vốn muốn đặt quốc hiệu là “Nam Việt,” nhưng khi mang sang đề đạt với nhà Thanh thì Thanh triều không chấp thuận. Thay vào đó, Thiên Triều ban xuống quốc hiệu “Việt Nam.” Chính sử nước Việt và nước Thanh cùng chép câu chuyện này, tuy với ngữ điệu tương đối khác nhau.
Nhưng còn có một câu chuyện ít được để ý đến hơn.
Đó là về một bản tấu liên quan đến quốc hiệu bị coi là nghiêm trọng tới mức nhà vua đương vị đã cắt chức người dâng bản tấu.
Người dâng bản tấu này là một quan chức triều Nguyễn tên là Nguyễn Văn Lượng. Trong tháng Giêng âm năm 1838, ông Lượng tâu xin vua Minh Mạng (ở ngôi 1821-1840) hãy nhân lúc đất nước thăng bình mà đặt “quốc hiệu” để chứng tỏ cõi nam[2] đã đổi mới dưới triều nhà Nguyễn. Hẳn ông Lượng rất choáng váng khi nhận được phản hồi của nhà vua. Như được ghi lại trong Đại Nam Thực Lục, bộ sử vô cùng quan trọng của triều Nguyễn, vua Minh Mạng phán:[3]
Nước Việt ta từ đời Trần, Lê trở về trước xưng là “An Nam Quốc,” triều ta đã đổi gọi là “Việt Nam,” đó là điều thần dân trong ngoài đều nghe biết cả. Nguyễn Văn Lượng học thức phổ thông ở đâu mà tên hiệu to lớn của nước nhà lại không biết. Hơn nữa, nhà ngươi là người trong giới lo chuyện kỉ cương giáo hoá mà có lời trái nghịch hoang đường đến vậy. Vậy lập tức bãi chức, cho ra nơi đóng quân ngoài Trấn Tây…
Vua Minh Mạng không hẳn chỉ giận ông Lượng về chuyện kiến thức nông cạn.
Điều quan trọng hơn là vì ông này không biết chuyện cha của ông, tức vua Gia Long, đã lo xong việc đặt tên nước rồi. Và đúng thế, trong bản tấu của mình, ông Lượng tỏ ra rất “có kiến thức phổ thông” về tên nước qua các triều đại. Ông đã nhắc đến “Nam Việt” (vốn là danh xưng trong chủ ý ban đầu của vua Gia Long) và gọi đó là cách gọi không chính thống mà mọi người quen thuộc.[4]
Liệu có thể ông Lượng đã đúng vì bấy giờ tên “Nam Việt” vẫn là quen thuộc trong khi vua Minh Mạng muốn tin rằng tất cả mọi người đều biết chuyện triều Nguyễn đã sớm lo xong việc đặt tên nước từ buổi lập quốc?
==
[1]↩Không rõ trước đó có ai đã bàn đến, chỉ biết ở nước ngoài, mọi người hình như thường biết chuyện này qua một đoạn phân tích của Alexander B.Woodside trong cuốn sách ông xuất bản từ năm 1971. Alexander B. Woodside, Vietnam and the Chinese Model: A Comparative Study of Nguyen and Ch’ing Civil Government in the First Half of the Nineteenth Century(Cambridge, Mass.: Harvard University Press, 1971), 120–21.
[2]↩“Cõi nam” tức chỉ toàn bộ đất đai thuộc nhà Nguyễn, gọi là “nam” để đối với “bắc” – chỉ nước Đại Thanh của Trung Hoa
[3]↩Đại Nam Thực Lục, Chính biên 2/188, 31b.”我越自陳黎以前稱安南國,本朝改號越南。內外臣民素所聞見。阮文諒平生學識安在而國家大號乃爾不知。且彼風憲中人何乃岀言狂妄至此。其即革職發鎮西軍次… ”
[4]↩Đại Nam Thực Lục, Chính biên 2/188, 30b-31a.
Trong Toàn thư (Bản kỷ, Quyển 2, tờ 39b) chép Lý Thánh Tông lên ngôi là đặt quốc hiệu Đại Việt. Tuy nhiên, cho đến nay, quốc hiệu này chỉ xuất hiện trên vật thật lại là gạch “Đại Việt quốc quân thành chuyên” thế kỷ 10 ở di chỉ cổ đô Hoa Lư. Các bản đồ, rồi giao thiệp ra bên ngoài đều là An Nam quốc… Kể cũng lạ nhỉ, lạ vì không có bằng chứng vật chất về “Đại Cồ Việt” thời Đinh; lạ vì sự vắng bóng của “Đại Việt”. Here cũng lại Trần, Lê về trước xưng “An Nam quốc”. Lạ nữa là quan chức trí thức đến thế kỷ 19 mà lại không tỏ tường chính quốc hiệu của nước mình, quả như thế thì đi đày sang Cambodia xa xôi là đúng rồi! :-))
LikeLike