Nam đế trong “Nam Quốc Sơn Hà” không phải là vua nước Việt Nam

Bài thơ này có lẽ người Việt Nam nào cũng biết.[1] Thế nhưng, bài thơ truyền lại từ cả nghìn năm trước có rất nhiều ý đáng nghĩ:

  • Nam đế” là chỉ “vua nước Nam”?
  • thiên thư” là “sách trời”?
  • nghịch lỗ” có phải là “nghịch tặc” không?
  • ai là “các ngươi” (nhữ đẳng), là quân “xâm lược”?
  • nếu “thủ bại” (chuốc lấy thất bại) là một cụm động từ thì chữ “” ở cuối cùng là gì? Khi “hư” mang nghĩa “một cách vô ích, vô vọng” là một phó từ (như nói “pointlessly”) thì trong tiếng Hán nó nên đứng trước cụm động từ chứ?

Tôi chưa chắc cách giải đáp của mình là hoàn toàn thuyết phục, nhưng là một hướng để bứt phá những cách hiểu xáo mòn hiện nay.

Bài thơ này dù gắn với Lý Thường Kiệt hay không thì, như nhiều người đi trước đã nói, nó phải được hiểu như là lời của thần nói ra.[2]

Thần này nói cho ai nghe? Cho “các ngươi” (nhĩ đẳng). Nếu là thần mà chỉ vin vào “vua nước Nam” thì liệu có đủ linh thiêng thời đó? Chúng ta biết rằng những nhà quân chủ nước Việt có tin rằng họ mang dòng dõi thần thánh gắn với Viêm Đế họ Thần Nông.[3] Một trong những đặc điểm nổi bật của vị thần này là cai quản phương Nam, trong khi có những vị thần chủ quản các phương khác.[4]

Vì thế, “Nam đế” rất có thể là thần chủ quản phương Nam. Khi nghĩ vậy, cái ý “sách trời” sẽ thú vị. Đó hẳn là một thứ sách mang tính vũ trụ luận, thể hiện sự phân chia toàn thế giới mà cả người ở phương Nam và đám quân “nghịch lỗ” đến từ ngoài cõi Nam kia đều biết – một thế giới trong đó có những vị thần cụ thể đứng chủ quản ngũ phương – Đông Tây Nam Bắc và phương ở giữa.

Do sự phân chia thế giới như thế, những kẻ không ở phương Nam lại tới đất của “Nam đế” đáng bị coi là “nghịch lỗ.” “Lỗ” vốn chỉ kẻ bị cầm tù, và “nghịch lỗ” là một cách gọi mỉa mai với những kẻ phản trá. “Nghịch lỗ” không phải là những kẻ trái đạo với một ông vua phàm trần, mà nghiêm trọng hơn, là với “Nam đế” – ông thần của cả cõi Nam.

Còn chữ “” khó hiểu ở cuối bài, tôi bạo dạn hiểu nó là với nghĩa của chữ “khư,” tức chỉ cái gò đất. Như thế, “thủ bại hư” là nói cái gò đất nơi đánh dấu việc buộc phải chịu thất bại.

Người nghe lời thơ thần này – “các ngươi” – dù là quân Việt hay quân Tống thì quan trọng là, “hãy mở mắt mà xem lại đi, cõi Nam đây có Nam đế bảo trợ, nếu ai dám làm nghịch lỗ mà phạm đến đất của thần thì đất này sẽ chỉ là cái gò lãnh thất bại của chúng bay mà thôi.”

==

[1]Trong khi các nhà nghiên cứu có tranh luận xem bài thơ này ra đời khi nào, có sớm hơn thời Lý Thường Kiệt không, những phiên bản được coi là sớm nhất của bài thơ này cơ bản giống với phiên bản mà ta quen thuộc, cũng là bản được Đại Việt Sử Ký Toàn Thư ghi lại trong liên hệ với sự kiện về Lý Thường Kiệt vào năm 1076.

南國山河南帝居,截然分定在天書。如何逆虜來侵犯?汝等行看取敗虛。

Nam quốc sơn hà Nam đế cư, Tiệt nhiên phân định tại thiên thư. Như hà nghịch lỗ lai xâm phạm, Nhữ đẳng hành khan thủ bại hư.

Tôi sẽ không dịch bài “Nam Quốc Sơn Hà” mà ráng diễn giải cái mạch ý của bài thơ (flow of ideas) trong mẩu viết này với hi vọng người đọc tiếp tục khám phá những cách hiểu khác cho một bài thơ thường được coi là “bản tuyên ngôn độc lập đầu tiên của Việt Nam.”

[2]Nhân tiện, tôi muốn nhắc lại một điều mà giới nghiên cứu đều biết rồi nhưng trong dân gian ta hình như vẫn thuận miệng truyền lời chưa thoả. Bài “Nam Quốc Sơn Hà” không phải do Lý Thường Kiệt sáng tác. Đây, một ý kiến tiêu biểu, tranh đấu cho quan điểm này: Bùi Duy Tân, “Về truyền thuyết một bài thơ: NAM QUỐC SƠN HÀ là vô danh, không phải của Lý Thường Kiệt,” hình như được in lần đầu trên Văn Hoá Dân Gian 4 (2000) [Tôi hiện không có tài liệu viết để kiểm tra chính xác nguồn xuất bản]. Bài viết được in lại trên trang điện tử của Văn Hoá Nghệ An (truy cập ngày 22/8/2018); Nguyễn Thị Oanh, “Về thời điểm ra đời của bài Nam Quốc Sơn Hà,” Hán Nôm 1 (2002) Bài viết được đăng lại trên trang điện tử của Viện Nghiên cứu Hán Nôm (truy cập ngày 22/8/2018)

[3]Tôi sẽ nói về chuyện này trong một ghi chú khác.

[4]Điều này có nhiều cách chứng minh. Một trong những hướng khả thi là tìm hiểu hệ thống thần linh trong Đạo giáo thời kỳ sớm.

2 thoughts on “Nam đế trong “Nam Quốc Sơn Hà” không phải là vua nước Việt Nam

  1. “Thiên thư” là khái niệm Đạo giáo. Chị cũng vừa mới đọc được khi làm về Tôn giáo, Tín ngưỡng Lý. Cái ý tưởng của em rất bạo dạn và hay. Chị vẫn nghĩ về chuyện vì sao Toàn thư vẫn để không gian nước Văn Lang rộng như thế nhỉ?! :-)) Keep going!

    Like

Leave a Reply

Fill in your details below or click an icon to log in:

WordPress.com Logo

You are commenting using your WordPress.com account. Log Out /  Change )

Facebook photo

You are commenting using your Facebook account. Log Out /  Change )

Connecting to %s