Hôm nay mình được hỏi về việc ngày xưa nếu ở “Việt Nam” người ta dùng chữ Hán chữ Nôm để viết thì sẽ dùng tiếng gì để nói. Sau đó, mình nhớ ra một chuyện có liên quan trong Đại Việt Sử Ký Toàn Thư (ĐVSKTT). Chuyện này được chép vào quốc sử là vì nó ca ngợi sự khéo léo của vua Trần Nhân Tông trong việc dung hoà mâu thuẫn giữa nhóm hoạn quan và viện Hàn Lâm. Nhưng chuyện này còn thú vị vì nó vô tình lưu lại một bằng chứng hiếm hoi về thực trạng sử dụng ngôn ngữ của người thời nhà Trần hồi thế kỷ 13.
Chuyện mâu thuẫn xảy ra giữa Lê Tòng Giáo, một hoạn quan giữ chức Hành Khiển (tạm hiểu gần gần như chức Tể tướng, tức là một chức rất to) và Đinh Củng Viên, một quan bên viện Hàn Lâm có nhiệm vụ giúp vua soạn thảo công văn.
Một ngày vào năm 1288, nhà vua cần tuyên đọc chiếu đại xá. Khi xa giá vừa xuất cung thì Củng Viên mang bản chiếu đã soạn đưa tới. Theo thông lệ, khi tuyên chiếu, hoạn quan – Hành khiển Lê Tòng Giáo không những là người xướng đọc tờ chiếu mà còn có trách nhiệm giảng giải chữ nghĩa trong tờ chiếu cho người nghe được dễ hiểu.
Tại sao phải làm như vậy? Hẳn là vì tờ chiếu do viện Hàn Lâm soạn được viết bằng chữ Hán. Chữ Hán này không hoàn toàn giống tiếng Phổ thông hay tiếng Trung Quốc ngày nay, mà nó gần hơn với thứ mà các sử gia như Ngô Sĩ Liên sẽ dùng để viết ĐVSKTT. Còn phải giảng giải chữ nghĩa cho người nghe hiểu vì chắc chắn phần lớn quan dân bấy giờ chỉ nói một thứ tiếng mà sau này ta sẽ gọi là “tiếng Việt,” thứ tiếng mà qua nhiều thế kỷ phát triển, Nguyễn Trãi sẽ dùng nó để làm thơ “quốc âm” và Nguyễn Du dùng nó để viết Truyện Kiều.
Thật bất ngờ trong buổi hôm đó, khi tuyên đọc tờ chiếu, Tòng Giáo không sao giảng được nghĩa của nó. Vua Nhân Tông bèn gọi Củng Viên ra đứng đằng sau Tòng Giáo để “nhắc bài.” ĐVSKTT miêu tả, “Tòng Giáo lộ vẻ bị sỉ nhục. Rồi tiếng Củng Viên hướng dẫn [Tòng Giáo] ngày càng to mà tiếng Tòng Giáo mỗi lúc lại nhỏ đi.” Thành thử, “tất cả triều thần chỉ còn nghe mỗi tiếng của Củng Viên.”[1]
Hoá ra, như ĐVSKTT giải thích, bên viện Hàn Lâm soạn công văn xong bình thường phải gửi sớm cho bên Hành khiển để bên này đọc và tập giảng nghĩa trước. Nhưng Tòng Giáo vốn không ưa Củng Viên, nên lần đó Củng Viên cố tình giữ tờ chiếu đến gần phút cuối. Còn chuyện vua Nhân Tông hoà giải thế nào thì xin phép được bàn sau.
==
[1]↩Đại Việt Sử Ký Toàn Thư, Bản kỷ 5, 55a-b.