Sống ở thế kỷ 18, Lê Quý Đôn (LQĐôn) không chỉ đứng trong một thời kỳ lịch sử vô cùng phức tạp của Việt Nam mà còn ở một thời kỳ rất sôi động của lịch sử thế giới – thời kỳ Khai Sáng (the Enlightenment Period).
Như cách LQĐôn nói về sao băng, tỏ ra có chứng kiến riêng, và đó là một kiến giải mang tính thế tục (secular) mà không dựa vào các lực lượng siêu nhiên.[1]
LQĐôn viết về sao băng trong phần “Hình tượng” của sách Vân Đài Loại Ngữ.[2] Ông không dùng từ “sao băng,” nhưng hiện tượng ông nói đến, sự rơi xuống của sao, chứng tỏ điều đó.[3]
Có lẽ rất khó lý giải chính xác vì sao LQĐôn quan tâm đến sao băng. Đọc phần “Hình tượng” dễ khiến ta có cảm giác về một tập hợp các trích dẫn tản mạn từ nhiều sách vở Trung Hoa và một ít sách vở phương Tây. LQĐôn thực chất đã trích dẫn một cuốn sách của Trung Hoa ở thế kỷ thứ 6 và ý chính của đoạn dẫn đó là câu hỏi nếu sao rơi xuống là đá thì có phải sao nói riêng và các thiên thể như mặt trời, mặt trăng đều là đá hay không?[4]
Ở thế kỷ 18, LQĐôn viết, “sao ở trên trời đã có ánh sáng rồi.” Ông cho rằng, “ánh sáng của sao là khí. Khi sao mới rơi xuống giữa lưng chừng thì thứ gió cứng mạnh chồm ôm lấy nó, mà nó ngưng tụ thành đá. Có phải ở trên trời nó đã là đá đâu!”[5]
Nói về sao như là một vật tự sáng, LQĐôn cho rằng sao trên trời không phải là đá nhưng khi rơi xuống đất nó là đá.
Điều thú vị là, đến tận cuối thế kỷ 18, hầu khắp giới khoa học phương Tây vẫn không tin về sự tồn tại của những mảnh thiên thạch rơi xuống trái đất (meteorites). Nhà vật lý người Đức Ernst Chladni thường được nhắc tới như là một trong những người đầu tiên lập luận về nguồn gốc ngoài trái đất của những phiến thiên thạch được tìm thấy. Ông đã viết thành sách vào năm 1794.
Mở rộng bối cảnh lịch sử của thế kỷ 18, bạn có lẽ sẽ không còn hoàn toàn tin rằng phương Đông luôn tụt hậu hơn phương Tây.
LQĐôn hoàn thành sách Vân Đài Loại Ngữ từ năm 1777, tức là hơn 15 năm trước Chladni. Nhưng ngay luận điểm của Chladni cũng không được thừa nhận ngay, và giới khoa học phương Tây chỉ thực sự tin rằng sao rơi xuống chính là những viên đá ngoài trái đất vào năm 1803.[6]
===
[1]↩Xin lưu ý, chữ “băng” (崩) ở đây có nghĩa là rơi xuống, sa xuống – cho nên, trong sách cũ ta có thể nghe nói vua qua đời thì gọi là “băng hà.” Chữ “hà” này có nghĩa là phương xa. Người Trung Hoa thường không dùng chữ “băng hà” mà dùng chữ “thăng hà” – tức là bay về nơi xa. Đây là một ví dụ thú vị về việc người Việt cũng dùng chữ Hán nhưng có nét dị biệt với người Trung Hoa.
[2]↩“Hình tượng” là một khái niệm mang tính triết học; mà nói đơn giản, nó chỉ mọi hiện tượng ta nhận biết được qua giác quan, như thế để phân biệt với các thứ khác mà ta nhận biết thông qua suy luận. Với LQĐôn, “hình tượng” chủ yếu bao gồm các loại hiện tượng thiên văn và tự nhiên mà thông qua quan sát chúng, người ta có thể hiểu được quy luật vận động của thời gian nói riêng và thế giới nói chung.
[3]↩Lê Quý Đôn nói đến từ “truỵ lạc” (墜落) khi diễn tả trạng thái của sao băng. Ngày nay, từ “truỵ lạc” đã bị thu hẹp nghĩa, chỉ còn mang nghĩa là sự suy đồi, sự sa sút về mặt đạo đức.
[4]↩Lê Quý Đôn, Vân Đài Loại Ngữ, 2, 5a. A.1258. Đoạn văn này từ sách Yanshi jiaxun (Nhan thị Gia huấn) của Yan Zhitui/ Nhan Chi Thôi, được cho là có niên đại ở thế kỷ 6 SCN. Tác giả của trích dẫn nói trên không có câu trả lời cuối cùng. Có lẽ với vị này, chuyện sao trên trời rơi xuống rồi biến thành đá là thứ nằm ngoài khả năng hiểu biết của người làm học giả. Việc này cũng như ngày nay, có sự sống ngoài trái đất hay không vẫn nằm ngoài hiểu biết thậm chí của giới khoa học.
[5]↩Lê Quý Đôn, Vân Đài Loại Ngữ, 2, 5a-b. A.1258. Hai cụm từ tôi gạch chân, “khí” và “gió cứng mạnh” là những khái niệm chuyên biệt của văn hoá mà ta vẫn gọi là văn hoá Trung Hoa cổ. Ở đây, tôi sẽ chưa vội đi vào giải thích chi tiết.
[6]↩Kat Eschner, “Scientists Didn’t Believe in Meteorites Until 1803,” Smithsonian, April 26, 2017 (truy cập 9/9/2018). Tham khảo thêm: William E. Burns, “Meteors and Meteorites,” in William E. Burns, Science in the Enlightenment: An Encyclopedia(Santa Barbara, Calif: ABC-CLIO, 2003), 197-98.